Phong tục cưới hỏi ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam đều có rất nhiều những nghi thức và thủ tục khác nhau. Song ở hầu hết các địa phương đều có 4 lễ chính gồm: dạm ngõ – ăn hỏi – thành hôn – lại mặt. Dưới đây là những nghi lễ, phong tục cưới hỏi tại miền Bắc.
Lễ dạm ngõ – phong tục cưới hỏi
Hay còn được gọi là lễ chạm ngõ, lễ nghi khởi đầu cho hàng loạt các thủ tục cưới hỏi tiếp theo. Do đó, lễ dạm ngõ rất quan trọng và không thể thiếu được trong phong tục văn hóa cưới truyền thống của người Việt Nam.
Trước khi bắt đầu tiến hành lễ dạm ngõ, nhà trai sẽ đi xem ngày và chọn ngày đẹp để đến nhà gái dạm ngõ. Mục đích là muốn nhà gái chấp nhận chuyện tình cảm của đôi trẻ và hai bên gia đình bàn bạc, chuẩn bị các thủ tục tiếp theo.
Đây cũng là lễ gặp mặt đầu tiên và chính thức của hai bên gia đình. Hai gia đình gặp gỡ, bàn bạc và thống nhất về “ngày lành tháng tốt” tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới và số lượng tráp phù hợp. Lễ vật trong ngày dạm ngõ như: trầu cau, chè, thuốc lá và bánh kẹo,…
Có thể bạn quan tâm: Những điều kiêng kỵ trong đám cưới của người Việt
Lễ ăn hỏi
Theo phong tục cưới hỏi, sau lễ dạm ngõ sẽ là lễ ăn hỏi. Đây là chính là thời điểm để thông báo chính thức về hôn sự của đôi trẻ.
Các thủ tục trong lễ ăn hỏi gồm: lễ ăn hỏi, xin cưới và nạp tài sẽ được gộp chung vào 1 ngày. Nhà trai sẽ mang các tráp sính lễ tới nhà gái ăn hỏi. Sau khi đại diện 2 gia đình giới thiệu những người tham dự, mẹ chú rể sẽ trao tráp lễ.
Tráp ăn hỏi với người miền Bắc thường là các số lẻ như 5, 7, 9 hoặc 11 tráp. Số lượng lễ vật bên trong tráp thường là bội số của 2. Đồ lễ gồm: bánh cốm, bánh xu xê, bánh mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá,… Một số nơi sẽ thêm xôi ngũ sắc và thủ lợn quay.
Các mâm quả ăn hỏi sẽ được nhà gái đặt lên bàn thờ để thắp hương. Ngoài ra, nhà gái cũng thường giữ lại 2 phần và đưa trả lại đằng nhà trai 1 phần.
Đồ lễ nhà trai mang đến sẽ được sử dụng cho ngày cưới. Đặc biệt nhà trai cần chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (còn gọi là lễ đen), một phong bì gửi cho nhà nội của cô dâu, một phong bì gửi cho nhà ngoại cô dâu và phong bì thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu. Số tiền này sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhà gái.
Lễ thành hôn trong phong tục cưới hỏi
Nếu lễ cưới không được tổ chức tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới,…. Thì tiệc cưới của hai bên gia đình sẽ diễn ra trước ngày cưới một ngày. Tiệc ở 2 bên gia đình sẽ là tiệc mặn. Một số địa phương ở miền Bắc, chú rể sẽ có mặt trong ngày mời khách bên nhà cô dâu.
Tại một số nơi, các gia đình còn xem trước tuổi cô dâu để đón dâu 2 lần. Trong ngày ăn hỏi sẽ có thêm thủ tục xin dâu, cô dâu sẽ theo về nhà trai và ở lại. Đến sáng sớm hôm sau cô dâu sẽ tự đi về, không ai biết và không ai nói gì. Như vậy đã tính là một lần xuất giá.
Hiện tại, các lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới ngày càng phổ biến. Nếu tổ chức tại những nơi này, nhà trai nên có kế hoạch xuất phát và xin dâu cụ thể. Trong ngày cưới, người đại diện nhà trai sẽ phát biểu ở bên nhà gái, xin phép cho chú rể được đón dâu. Sau đó, bố mẹ hai bên cùng cô dâu, chú rể sẽ làm lễ gia tiên và gửi lời chào hỏi đến hai họ. Sau đó sẽ cùng đi đến nơi tổ chức tiệc cưới.
Lễ lại mặt
Lễ nghi cuối cùng trong phong tục cưới hỏi, ngay sau lễ cưới đó là lễ lại mặt tại gia đình nhà cô dâu. Lễ lại mặt thường sẽ diễn ra ngay sau ngày cưới. Song, thời gian lại mặt có thể thay đổi phụ thuộc vào điều kiện đi lại và công việc của cô dâu chú rể sao cho hợp lý nhất.
Cô dâu chú rể sẽ về bên nhà ngoại vào buổi sáng. Đồ lễ sẽ do nhà trai chuẩn bị gồm gà trống, gạo nếp hoặc đơn giản hơn có thể là bánh kẹo, rượu, thuốc lá,… để đôi vợ chồng trẻ mang về biếu nhà ngoại. Và tất nhiên, cô dâu chú rể sẽ ở lại ăn cơm và nói chuyện cùng bố mẹ vợ.
Lễ lại mặt xưa nay vẫn xem như là một lời nhắc nhở của cặp đôi mới cưới về chữ hiếu, không chỉ với nhà nội, mà còn cả nhà ngoại. Ngoài ra, lễ lại mặt còn thể hiện sự quan tâm và chu đáo của gia đình nhà trai, chú rể đối với nhà ngoại. Chính vì vậy, lễ lại mặt cũng cần chỉnh chu và tươm tất.
Đó là những nghi lễ trong phong tục cưới hỏi của người miền Bắc. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu hơn về phong tục cưới hỏi của từng nơi. Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với Trangtritieccuoidep.vn.