Khác với phong tục miền Bắc, mâm quả cưới miền Nam thường yêu cầu số chẵn. Trong các bộ 4, 6, 8, 10, 12, số 6 được ưa chuộng nhất vì mang ý nghĩa may mắn và tài lộc. Đồng thời, chi phí cho bộ này cũng phù hợp điều kiện kinh tế của phần lớn người Việt.
1. Mâm quả cưới miền Nam với trầu cau
“Miếng trầu là đầu câu chuyện” vì thế những tráp trầu cau tươi xanh không thể thiếu trong hình ảnh mâm quả cưới miền Nam. Ngày xưa, người dân nơi đây thường chọn 60 hay 80 quả trầu cau cho những tráp cưới. Số lượng này ngụ ý cho cuộc sống hôn nhân của đôi trẻ sẽ được hạnh phúc vẹn trọn. Bên cạnh đó, những gia đình có điều kiện kinh tế sẽ chọn con số 105 với ý nghĩa trăm năm hạnh phúc cho đôi vợ chồng son.
Theo quan niệm của người xưa, một quả cau bằng hai lá trầu. Vì thế, bạn hãy lưu ý điểm này để bày trí đầy đủ số lượng cau và lá trầu đầy đủ.
2. Mâm quả cưới miền Nam với trà – rượu – nến
Sính lễ này trong mâm quả cưới miền Nam thể hiện sự thờ kính của những bậc con cháu đối với các vị gia tiên. Đây được xem như lời mời tổ tiên chứng giám và chúc phúc đôi uyên ương. Mặt khác, hương vị cay nồng của rượu ngụ ý cho cuộc sống hôn của đôi trẻ sẽ có nhiều khoảnh khắc ấm áp và nồng nàn bên nhau.
3. Mâm quả cưới miền Nam với bánh phu thê
Bánh phu thê trong mâm quả cưới miền Nam sẽ có sự khác biệt về hình dáng và cách gói so với phong tục miền Bắc. Loại bánh này là biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời, âm dương đồng thuận, thể hiện sự gắn kết bền chặt trong đời sống vợ chồng. Hình dáng bánh sẽ được nắn sao cho vuông vức rồi gói vào những chiếc hộp được làm từ lá dứa.
4. Mâm quả cưới miền Nam với trái cây
Sính lễ này tượng trưng cho cuộc sống hôn nhân ngọt ngào và đầy đủ sắc hương vị cho đôi trẻ. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nhà mà những loại trái cây sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, theo quan niệm tâm linh của người Việt, bạn nên tránh lựa chọn những loại quả với cái tên không may mắn như chuối, cam, lê, bom, lựu,… và những loại trái có vị đắng, chát.
5. Mâm quả cưới miền Nam gồm gà luộc hoặc heo quay
Theo phong tục về mâm quả cưới miền Nam, người dân nơi đây quan niệm bên cạnh vị ngọt của trái cây cũng cần có vị mặn của của gà luộc hay heo quay. “Gà đẻ trứng vàng” với ngụ ý mang đến sự sung túc và hạnh phúc cho các đôi uyên ương. Lợn quay sẽ thể hiện cho sự bảo bọc và chở che của gia đình chồng đối với nàng dâu tương lai.
6. Mâm quả cưới miền Nam với trang phục
Kiểu tráp này sẽ hiếm khi xuất hiện trong tráp hỏi của những gia đình miền Bắc. Tuy nhiên, đây lại là kiểu tráp tương đối phổ biến trong phong tục mâm quả cưới miền Nam. Nhà gái sẽ nhận tráp này và chuyển trang phục cho cô dâu chuẩn bị. Sau đó, các nàng tân nương sẽ được vị hôn phu dẫn ra chào hỏi gia đình hai bên và làm lễ trước gia tiên. Bên cạnh đó, sính lễ này còn thể hiện sự quan tâm và chăm sóc của mẹ chồng đối với con dâu tương lai.